Nghiên cứu mới cho thấy bộ não của các thủ môn dường như có thể nhanh chóng hợp nhất các tín hiệu từ những giác quan khác nhau.

Với vai trò ngăn cản đối thủ ghi bàn, thủ môn là một trong những vị trí chuyên biệt nhất trong bộ môn bóng đá. Nhiều nghiên cứu trước đây đã nêu bật sự khác biệt về sinh lý và hiệu suất giữa thủ môn và cầu thủ khác; nhưng liệu các thủ môn có khả năng nhận thức khác biệt không là điều còn ít được biết.

“Không như các cầu thủ khác, thủ môn buộc phải đưa ra hàng ngàn quyết định vô cùng nhanh chỉ dựa trên thông tin giác quan hữu hạn hay không đầy đủ”, Michael Quinn – cựu thủ môn của đội Irish Premiership – cho biết. Quinn đang học thạc sĩ về khoa học thần kinh hành vi tại Trường Đại học Dublin.

Cho rằng khả năng này có thể dựa trên năng lực kết hợp thông tin từ các giác quan khác nhau, Quinn cùng các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Dublin và Đại học TP Dublin đã mời 60 người - gồm thủ môn chuyên nghiệp, cầu thủ và những người có cùng độ tuổi không chơi bóng - thực hiện một loạt bài kiểm tra, để tìm kiếm về sự khác biệt trong khả năng phân biệt âm thanh và chớp sáng của họ. Bằng cách đó, nhóm nghiên cứu có thể ước lượng cửa sổ ràng buộc thời gian (temporal binding window) - hay khung thời gian mà ở đó các tín hiệu giác quan đầu vào riêng biệt được hợp nhất thành một sự kiện nhận thức duy nhất ở não bộ - của các tình nguyện viên.

Những người tham gia được chia đều thành 3 nhóm. Trong mỗi lần thử, người tham gia được cho xem một hoặc hai chớp sáng (kích thích thị giác) trên màn hình. Các chớp sáng có thể xuất hiện cùng một, hai tiếng bíp hoặc không có tiếng bíp nào (kích thích thính giác). Các kích thích xuất hiện với khoảng thời gian cách quãng khác nhau.

Các thủ môn cần đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên thông tin giác quan hữu hạn. Ảnh: AFC
Các thủ môn cần đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên thông tin giác quan hữu hạn. Ảnh: AFC

Trong các lần kiểm tra, thử nghiệm một chớp sáng và hai tiếng bíp thường khiến người tham gia bị nhầm thành hai chớp sáng. Điều này cung cấp bằng chứng rằng kích thích thị giác và thính giác gắn liền với nhau. Số lần cảm nhận nhầm giảm xuống khi khoảng thời gian giữa các lần kích thích dài hơn, cho phép các nhà nghiên cứu đo lường độ dài của cửa sổ thời gian. Cửa sổ càng hẹp cho thấy quá trình xử lý đa giác quan càng hiệu quả.

Kết quả, các thủ môn có cửa sổ thời gian hẹp hơn so với các cầu thủ và người không chơi bóng. Họ cũng thể hiện khuynh hướng tách biệt các tín hiệu giác quan. Khả năng này bắt nguồn từ nhu cầu đưa ra các quyết định nhanh chóng dựa trên thông tin thị giác và thính giác xuất hiện tại các thời điểm khác nhau.

Vẫn chưa rõ là những khác biệt này bắt nguồn từ chế độ luyện tập nghiêm ngặt của các thủ môn chuyên nghiệp hay do năng lực bẩm sinh thu hút các cầu thủ trẻ trở thành thủ môn. Các nghiên cứu tới đây cần theo dõi quỹ đạo phát triển của các thủ môn để tách bạch những khả năng này.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology.

Nguồn: